ﻶ Hải Vân Sơn Trangﻶ Dạo Hải Vân Sơn Trangﻶ Liên Lạc Hải Vân Trang Chủﻶ Hải Vân Sổ Lưu Niệm

"Lên non mới biết non cao

Lội sông mới biết sông nào cạn sâu..."

Cưới Hỏi

(Minh Tấn soạn)

 

       Thuở trước tuổi đính hôn cho con cái quá trẻ, khoảng mười ba tuổi trở lên là đã cưới vợ lấy chồng rồi.  Vào độ tuổi hai mươi coi là quá trễ, cho nên Việt Nam chúng ta có câu Ca Dao là: "Lấy chồng từ thuở mười ba, Đến năm mười tám thiếp đà năm con, Ra đường thiếp vẫn còn son, Về nhà thiếp đã năm con cùng chồng..." Có những gia đình còn đính ước trước khi hai trẻ sinh ra, nên vợ chồng hơn kém nhau một hai tuổi thì được xem là xứng đôi, vừa lứa.

Dạm hỏi: Trong phong tục Việt Nam ta khi nói đến cưới hỏi thì không thể nào thiếu trầu cau được, cho nên dân ta có câu Ca Dao là: "Miếng trầu là đầu câu chuyện..."  Trước tiên cha mẹ đàn trai thường kén chọn gia đình nào cho "môn đăng hộ đối," xem tuổi có xung khắc không đã, rồi mới mượn người làm mai đến nhà đàn gái nói chuyện cưới xin.  Nếu bên nhà đàn gái bằng lòng rồi thì nhà đàn trai mới đem trầu cau và trà đến dạm hỏi.  Bắt đầu từ đó mỗi khi đến ngày mồng năm tháng năm, ngày tết, ngày kỵ nhật của nhà gái người con rể phải đưa đồ lễ vật đến nhà để tỏ ra kính trọng nhà đàn gái.  Sau thời gian thì làm Lễ Hỏi: nhà trai phải đem sính lễ đến nhà gái để lễ cúng ông bà, thường thì trong lễ hỏi có kèm thêm đôi bông tai vàng.

Xêu: Hỏi rồi thì đến xêu.  Xêu là đem những thực phẩm của mỗi mùa đến nhà gái.  Ví dụ như mùa ngô thì xêu ngô, mùa dưa thì xêu dưa.  Đồ vật mà nhà trai xêu thì nhà gái chỉ lấy một nửa còn một nửa thì gởi lại nhà trai.

Cưới: Xêu xong thì một năm hay nửa năm rồi cưới.  Nếu không xêu mà cưới thì gia đình đàn trai bị thiên hạ chê cười là không biết lễ.

Trao thơ thách cưới: Trước khi muốn cưới thì đôi bên nhà trai và nhà gái đều phải không có tang chế.  Nhà trai viết thơ hỏi xem nhà gái cần những lễ vật gì nếu nhà gái cần những vật gì thì viết thư trả lời nhà trai, còn không thì để nhà trai tự chọn.  Nếu nhà trai lo được những sính lễ mà nhà gái cần thì đôi bên chọn ngày lành tháng tốt để đính ước.  Còn nếu như nhà gái làm khó thách cưới lễ vật quá cao thì nhà trai có thể xin bớt đi, có khi nhà gái không chịu vì bất đắc dĩ nhà trai phải lo liệu cho xong và từ đó hai bên sui gia bất hoà.  Nếu hai bên bất hoà thì con dâu thường là bị chịu khổ khi về làm dâu.

Đồ thách cưới: Heo hoặc bò, trà, bánh, trầu cau, xôi, rượu, vòng, nhẫn, hoa, quả (trái cây), quần áo và tiền bạc...

Lễ cưới: Thường làm ban trưa, những vùng quê thường làm vào ban đêm.  Khi rước dâu thì phải chọn ngày giờ lành tháng tốt.  Trên đường đến nhà gái đi đầu có ông mai, ông bà cha mẹ chú rể, chú rể khăn áo chỉnh tề, người đội mâm trầu cau và rượu, người khiêng sính lễ, theo sau là thân quyến họ hàng.  Khi đến nhà gái, ông mai phải trình bày sính lễ, xong chủ hôn nhà gái khấn lễ với tổ tiên rồi thì chú rể mới vào lễ bái.

Tế tơ hồng: Hương án được bày ra, trên hương án có gà, xôi và rượu.  Tế tơ hồng xong Tân Lang và Tân Giai Nhân mới vào lạy tạ.  Tục lệ tế tơ hồng được truyền từ một điển tích gọi là "Tơ Hồng".  Ngày xưa có một vị công tử tên là Chung Hạo, một hôm đi săn bị lạc vào rừng bất chợt gặp Ông Tơ, Bà Nguyệt (Nguyệt Lão) xe chỉ hồng dưới trăng, Chung Hạo hỏi thì Bà Nguyệt cho biết đó là tơ hồng, hể buột hai người nào dưới trần thì nhất định hai người đó lấy nhau.  Được Ông Tơ chỉ cho biết vị hôn phối của mình là một con bé ăn mày tên Tố Lan.  Chung Hạo bất bình không tin bèn tìm cách giết Tố Lan nhưng không được cuối cùng lại thương yêu Tố Lan vô cùng và rất tin thiên mệnh.  Về sau khi hai người nên duyên phận đều phải tạ ơn Nguyệt Lão và cầu cho phò hộ được ăn ở trăm năm.  Tế tơ hồng xong rồi thì chú rể vào lạy và dâng rượu hay trầu cau cho ông bà cha mẹ vợ, rồi cho họ hàng ăn tiệc xong rồi mới về.

Đưa dâu: Sau khi tế tơ hồng xong, vào ngày hôm sau thì đưa dâu về.  Nhà trai và nhà gái cùng ăn mừng mở tiệc linh đình và mời bà con bạn bè hai họ đến cùng chia vui.  Quà chúc mừng có thể là tiền, trà, trầu cau, đồ vật, hay câu đối đỏ (liễn)...

Đưa dâu đi đầu phải có một người lớn tuổi rồi bà con họ hàng dẫn cô dâu đi sau.  Khi đến nhà trai rồi thì một bà lớn tuổi và họ hàng nhà trai ra đón cô dâu và gia quyến vào nhà chú rể cho lạy tổ tiên rồi đến lạy và dâng rượu hay trầu cau cho ông bà cha mẹ chồng, thường thì ông bà cha mẹ chồng tặng lì xì sau khi dâng rượu hay trầu cau.  Họ hàng ăn tiệc xong thì mỗi người luôn có phần đem về thường thì bánh, trái, xôi, thịt...

Tuy nhiên vì thời gian bận bịu bên nhà trai cũng có thể thương lượng lễ cưới và đưa dâu về cùng ngày...

HOME

Copyright@www.haivan.8m.net